Theo đánh giá của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT), nông sản Việt Nam vẫn đang hàng ngày đối mặt với nhiều khó khăn, trong đó, rào cản lớn nhất vẫn là các tiêu chuẩn về chất lượng, mức độ tồn dư thuốc bảo vệ thực vật (BVTV) trong nông sản khi xuất khẩu vào các thị trường lớn.
Ngày 27-11, Bộ NN&PTNT đã phối hợp với Crop Life Việt Nam đã tổ chức Hội nghị "Nâng cao năng lực xuất khẩu và an toàn thực phẩm nông sản Việt Nam: Vai trò của quản lý hóa chất nông nghiệp".
Chia sẻ tại hội nghị, Ông Nguyễn Xuân Hồng, nguyên Cục trưởng Cục Bảo vệ thực vật cho biết, nông sản Việt Nam xuất khẩu đang phải chịu 2 hàng rào kỹ thuật quan trọng nhất là an toàn thực phẩm và kiểm địch động thực vật. Đối với an toàn thực phẩm, hóa chất rất quan trọng trong quá trình sản xuất. Hầu hết các nước đều phải sử dụng hóa chất, thuốc bảo vệ thực vật, phân bón nhưng nếu đáp ứng được quy định về mức dư lượng tối đa cho phép thì vẫn đảm bảo xuất khẩu.
Theo ông Hồng, giải pháp cho thực trạng này là sản xuất theo hướng thực hành nông nghiệp tốt và theo chuỗi, người sản xuất phải hiểu được các quy định của các nước nhập khẩu nông sản và người tiêu dùng. Tổ chức sản xuất là khâu quan trọng nhất, vì vậy cần tăng cường liên kết với doanh nghiệp, hợp tác xã, cơ quan quản lý trên cơ sở tổ chức sản xuất theo chuỗi.
Theo đánh giá của Bộ NN&PTNT, trong 10 năm qua, nông nghiệp Việt Nam luôn duy trì mức tăng trưởng mạnh và khá toàn diện. Hiện nay, xuất khẩu nông sản Việt Nam đứng thứ 2 khu vực Đông Nam Á và thứ 15 thế giới. Đã có 10 nhóm mặt hàng xuất khẩu của Việt Nam đạt kim ngạch từ 1 tỷ USD/năm trở lên, riêng 5 mặt hàng gồm tôm, trái cây, hạt điều, cà phê và đồ gỗ đạt kim ngạch 3 tỷ USD/năm. Tuy nhiên, Việt Nam cũng đang phải đối mặt với những vấn đề liên quan đến chất lượng sản phẩm khi xuất khẩu nông sản vào những thị trường lớn.
Chỉ tính riêng thị trường châu Âu, trong năm 2017, có đến 90 trường hợp hàng hóa nông sản, thực phẩm Việt Nam xuất khẩu vào thị trường này bị cảnh báo hoặc trả hàng về do các vi phạm liên quan đến an toàn thực phẩm. Từ đầu năm đến nay đã có hơn 40 trường hợp bị cảnh báo và từ chối cho phép nhập khẩu. Việt Nam cũng nằm trong nhóm các nước có số trường hợp bị cảnh báo và trả hàng về từ châu Âu nhiều nhất.
Theo các chuyên gia, phần lớn các lô hàng bị trả về do các vi phạm liên quan đến vượt ngưỡng hàm lượng tồn dư tối đa thuốc BVTV trong nông sản, thực phẩm (MRL). Trong đó, MRL (mg/kg) là hàm lượng tối đa của một tồn dư thuốc BVTV trong thực phẩm do Ủy ban Tiêu chuẩn thực phẩm Codex quốc tế (CXL) hoặc Cơ quan quản lý tại quốc gia (MRL) quy định.
|
Thách thức lớn nhất của Việt Nam là nông dân sử dụng thuốc BVTV thế nào để đảm bảo xuất khẩu. |
Theo ông Jeroen Pasman, Trưởng phòng Kinh doanh xuất khẩu - Công ty The Fruit Republic (quận 7, TP.Hồ Chí Minh), cho biết, trong quá trình ký kết các hiệp định thương mại tự do, Việt Nam cần đẩy mạnh đàm phán để gỡ bỏ các hàng rào kỹ thuật mà các nước dựng lên để nông sản có thể vào được nhiều thị trường hơn nữa.
“Thách thức lớn nhất hiện nay của Việt Nam là nông dân sử dụng thuốc bảo vệ thực vật thế nào để đảm bảo tiêu chuẩn xuất khẩu. Vì vậy, ngành chức năng cùng các doanh nghiệp phải xây dựng được các quy chuẩn phù hợp cho Việt Nam. Việt Nam đã có nhiều hiệp định thương mại tự do, đây là điều kiện tốt để tự do thông thương, trao đổi hàng hóa, tuy nhiên vẫn còn nhiều hàng rào kỹ thuật khác mà Việt Nam còn phải đàm phán", ông Pasman nhận định.
Cũng tại hội nghị, ông Siang Hee Tan, Giám đốc điều hành Crop Life Asia cho rằng, vấn đề là làm thế nào để tiếp tục đẩy mạnh lợi thế cạnh tranh của Việt Nam vì tiềm năng xuất khẩu nông sản của Việt Nam còn lớn hơn nữa chứ không chỉ trong phạm vi 180 quốc gia, cần mở rộng hơn nữa xuất khẩu nhưng không được quên phải cung cấp lương thực an toàn cho chính người dân Việt Nam.nông hộ còn cần sự chuẩn bị tốt hơn. Và chính sách phù hợp của Bộ NN&PTNT có thể giúp đảm bảo tất cả nông dân có đóng góp toàn diện vào tăng trưởng GDP ngành nông nghiệp.
Theo Diệp Linh
Công an nhân dân