Cuba là một ví dụ điển hình cho thấy sự phát triển bền vững của nông nghiệp organic không chỉ khả thi mà còn cần thiết.
Sau khi buộc phải từ bỏ mô hình độc canh mía đường, quốc gia này phải đẩy mạnh nông nghiệp hữu cơ.
Sau khi Liên Xô tan rã vào năm 1991, kinh tế Cuba lâm vào tình cảnh khó khăn do không có thị trường xuất khẩu đường trong khi mất nguồn cung cấp dầu mỏ giá thấp. Mọi chuyện càng trở nên tồi tệ hơn khi họ bị Mỹ cấm vận.
Không có dầu mỏ để xuất khẩu, chính phủ Cuba không có kinh phí để nhập khẩu lương thực, khiến người dân có nguy cơ thiếu đói. Để giải quyết khó khăn, người dân Cuba bắt đầu trồng cây lương thực trên sân thượng và trong vườn. Nông dân nước này buộc phải quay về các phương thức canh tác truyền thống để nuôi sống bản thân vì không có xăng dầu hoặc thuốc trừ sâu. Họ phải dùng bò để cày bừa và sử dụng các giải pháp tự nhiên để thay thế thuốc trừ sâu.
Các sản phẩm hữu cơ tại một khu chợ cộng đồng ở thủ đô Havana - Cuba Ảnh: MY FARM LIFE |
"Trước đó, tàu thuyền từ Liên Xô chở đầy hóa chất và thuốc trừ sâu nhưng đến năm 1991, mọi chuyện đột nhiên thay đổi. Khi ấy, người dân Cuba tự hỏi rằng "chúng ta có cần tất cả những hóa chất đó không?" - ông Miguel Angel Salcines, chủ một nông trại hữu cơ Cuba, chia sẻ với tờ Guardian (Anh).
Đây chính là thời điểm cách mạng nông nghiệp hữu cơ Cuba bắt đầu. Ngày nay, những khu đất nhỏ - dưới 40 ha - đang được dùng để làm nông nghiệp "sạch" và toàn bộ sản phẩm được bán trong thị trường nội địa. Chính phủ Cuba hỗ trợ người dân thông qua các chính sách nhượng bộ đất đai, đồng thời thành lập cơ quan điều phối và thúc đẩy phát triển nông nghiệp đô thị bền vững. Điều đó không chỉ giúp người dân Cuba tự trồng trọt để nuôi sống bản thân mà còn giúp quốc gia này bớt phụ thuộc vào các sản phẩm nhập khẩu.
Theo một nghiên cứu được công bố trên Tạp chí Monthly Review (Mỹ), trong giai đoạn 1988-2007, sản lượng rau củ ở Cuba đã tăng 145%, trong khi lượng thuốc trừ sâu sử dụng giảm 72%.
"Nông nghiệp hữu cơ không phải là điều viển vông. Việc đóng cửa 50% nhà máy lọc đường là bước đi đầu tiên của Cuba trong hành trình tự cấp tự túc lương thực" - tiến sĩ nông học Cuba, ông Fernando Funes Monzote, khẳng định.
Quá trình chuyển giao của Cuba sang một loại hình nông nghiệp mới là minh chứng cho thấy sự phát triển bền vững và an ninh lương thực có thể đạt được cùng nhau, có liên quan chặt chẽ với nhau.
Cao Lực
Người Lao Động