Để nông nghiệp hữu cơ (NNHC) phát triển hơn cần phải có quy định cụ thể về nguyên liệu đầu vào, chính sách thông thoáng, nhất là tạo điều kiện hoạt động. Đó là những ý kiến phát biểu tại diễn đàn “Xúc tiến phát triển sản phẩm NNHC” do Cục Chế biến và phát triển thị trường nông sản (Bộ NN-PTNT) tổ chức nhằm lắng nghe, phổ biến và lấy ý kiến về dự thảo thông tư hướng dẫn Nghị định số 109/2018/NĐ-CP về NNHC.
Đầu tư sản xuất NNHC tại một trang trại
Nguyên liệu đầu vào quá cao
Nhằm phát triển NNHC thuận lợi, Nghị định 109/2018/NĐ-CP được ban hành và có hiệu lực từ tháng 10-2018, là một trong những căn cứ pháp lý để định hướng sản xuất NNHC phát triển bền vững, đúng định hướng của nhà nước. Theo đó, doanh nghiệp tham gia sản xuất NNHC phải có giấy chứng nhận đăng ký hoạt động sản phẩm phù hợp với tiêu chuẩn Việt Nam về NNHC và giấy chứng nhận sản phẩm phù hợp tiêu chuẩn Việt Nam về NNHC dành cho người sản xuất. Tuy nhiên, tại diễn đàn, nhiều ý kiến cần bổ sung thêm giấy chứng nhận liên kết, hợp tác đầu tư sản xuất NNHC dành cho các doanh nghiệp không trực tiếp sản xuất mà chỉ thu mua sản phẩm.
Hiện nay, tiêu chuẩn quốc gia về NNHC chưa có danh mục đầy đủ về nguyên liệu đầu vào như phân bón, thuốc bảo vệ thực vật, giống (cây, con)… Theo ông Nguyễn Ngọc Luân, Giám đốc HTX Nông nghiệp Lâm San (tỉnh Đồng Nai), đã sản xuất tiêu theo quy trình NNHC xuất khẩu qua nhiều nước. Hiện nay, nhiều người tiêu dùng Việt Nam nhận thức về sức khỏe, có điều kiện đã chuyển sang dùng sản phẩm hữu cơ. Tuy nhiên, giá thị trường vẫn còn quá đắt do phân bón, giống cao. Bên cạnh đó, phân bón nước ngoài giá rẻ nhưng HTX xin Bộ NN-PTNT nhập về để sản xuất vẫn chưa nhận được sự phản hồi. Ngoài ra, chi phí chứng nhận cao, thời gian chứng nhận lâu.
Sản phẩm NNHC đang được không ít người lựa chọn nhưng người tiêu dùng lại chưa được trang bị kỹ năng nhận biết sản phẩm NNHC. Theo bà Thương Lê, Giám đốc Viet Pepper, nhà nước cần phải truyền thông nhiều về sản phẩm NNHC, hướng đến sử dụng sản phẩm an toàn và bảo vệ môi trường. Không những thế, nông dân, doanh nghiệp khó tìm hiểu được thông tin chính sách phát triển NNHC, nhất là quy trình sử dụng phân bón, thuốc bảo vệ thực vật chưa rõ ràng. “Để hướng đến xuất khẩu, nhà nước cần sớm làm chứng nhận chỉ dẫn địa lý cho NNHC để nhiều nước nhập khẩu biết, đồng thời giúp doanh nghiệp giảm gánh nặng chi phí bảo hộ thương hiệu sản phẩm ở nước ngoài”, bà Thương Lê đề nghị.
Sử dụng cho nông nghiệp hữu cơ, biến xát bã thực vật thành phân bón sinh học
Để cho ra sản phẩm NNHC, doanh nghiệp phải cải tạo đất từ 3 - 5 năm. Nhưng điều khó nhất là tìm quỹ đất cho phù hợp để sản xuất. Theo HTX Làm nông Minh Bạch, nhiều nhà đầu tư muốn thuê đất sản xuất, địa phương trả lời: không biết hoặc hết quỹ đất. Do đó, Bộ NN-PTNT cần có quy hoạch vùng sản xuất NNHC để doanh nghiệp biết và thuận tiện trong việc xúc tiến đầu tư. Một vấn đề nữa là sản phẩm NNHC đều có mẫu xấu, cho nên cần có tiêu chuẩn về quy trình đảm bảo sản phẩm sau chế biến để nâng cao hiệu quả của sản phẩm.
Không nên bán quá cao
Muốn phát triển NNHC, nhà nước cần phải có chính sách hướng tới người sản xuất, thực tế thị trường chứ không phải hướng tới mục tiêu là quản lý doanh nghiệp. Với bề dày kinh nghiệm lâu năm và đã có sản phẩm NNHC xuất khẩu nước ngoài, ông Võ Quang Huy, Giám đốc Công ty TNHH Huy Long An, cho rằng để đạt được sản xuất NNHC cần phải tốn rất nhiều công đoạn như cải tạo đất, phân bón hữu cơ, thuốc bảo vệ thực vật hữu cơ… Để sản xuất NNHC, doanh nghiệp cần phải có tâm huyết, tận tâm mới thành công.
Theo quan điểm của ông Võ Quang Huy, nhà nước cần có thêm nhiều văn bản pháp luật tạo điều kiện cho doanh nghiệp NNHC phát triển, nhất là chính sách hỗ trợ vốn. Song, không nên so sánh tiêu chuẩn NNHC với nước khác. Bởi trước khi ban hành, nhà nước cũng tìm hiểu kỹ tiêu chuẩn NNHC của các nước. Tiêu chuẩn NNHC thực tế chỉ phục vụ cho việc nhập khẩu, quan trọng hơn hết là bảo vệ môi trường và sức khỏe người tiêu dùng. Hiện nay, có một thực trạng là giá thành sản phẩm NNHC đang quá cao, gấp 3 - 5 lần so với sản phẩm đạt tiêu chuẩn VietGAP cùng loại.
Theo ông Dương Hoa Xô, Phó Giám đốc Sở NN-PTNT TPHCM, trong tiêu chuẩn NNHC vẫn đang còn thiếu quy định phân bón, thuốc bảo vệ thực vật. Song song đó, chứng nhận cấp nhãn mác còn nhiều khó khăn. Hiện nay, sản phẩm NNHC đáp ứng phân khúc thị trường cao cấp nên người sản xuất không nên lo ngại thiếu thị trường. Tuy nhiên, không phải thế mà phát triển ồ ạt, sản xuất NNHC cần phải lựa chọn thỗ nhưỡng phù hợp; đặc biệt là lựa chọn sản phẩm theo địa phương để thuận lợi kinh doanh. Đồng thời, cần phải truy xuất được nguồn gốc và theo chuỗi giá trị.
Nhận định tại diễn đàn trên, ông Nguyễn Quốc Toản, quyền Cục trưởng Cục Chế biến và phát triển thị trường nông sản, cho biết những ý kiến của doanh nghiệp sẽ được tiếp thu để đưa vào dự thảo thông tư hướng dẫn Nghị định 109. Hiện nay, có rất nhiều chính sách hỗ trợ phát triển sản xuất nông nghiệp, nhưng nhiều doanh nghiệp không tự tìm hiểu thêm mà chờ hướng dẫn từ cơ quan quản lý. Bên cạnh đó, doanh nghiệp cần phải chủ động tìm đầu ra của sản phẩm để đúng với tiêu chí “bán cái người tiêu dùng cần, chứ không phải bán cái mà nông dân có”.
Hiện nay, sản phẩm NNHC tuy cao giá nhưng “đắt xắt ra miếng”. Trên cơ sở Nghị định 109, địa phương có cơ sở đưa ra kế hoạch phát triển NNHC từ vùng trồng, chỉ dẫn địa lý với từng sản phẩm để doanh nghiệp sản xuất xác định ngay từ khi mới đầu tư, cũng như quảng bá thương hiệu. Trong năm 2019, bộ xây dựng đề án phát triển NNHC và triển khai nhiều chính sách hỗ trợ.
THANH HẢI - Sài gòn giải phóng online