Vàng lá thối rễ là bệnh hết sức nguy hiểm. Chúng gây hại rất mạnh trên các loại cây có múi như cam, quýt, bưởi, sầu riêng. Cây trồng bị nhiễm bệnh thường có biểu hiện vàng lá, lá vàng có biểu hiện vàng cả gân. Đây là biểu hiện của hiện tượng thiếu nước và thiếu nhiều chất dinh dưỡng do rễ bị thối không thể lấy từ đất lên nuôi lá.
Nguyên nhân chủ yếu của bệnh là do các loài nấm gây thối rễ như Phytophthora, Fusarium gây hại mạnh trong mùa mưa. Các loài nấm này là nấm thủy sinh nên sinh sản và phát tán rất mạnh trong môi trường ẩm ướt. Nấm này không tự xâm nhập được vào rễ nhưng do rễ trong mùa mưa dễ bị loét do phải hô hấp yếm khí nên chúng sẽ lần theo các vết thương này mà xâm nhập rễ. Từ các vết thương này nấm bệnh sẽ xâm nhập gây, lây lan tạo ra bệnh vàng lá thối rễ.
Để ngăn được bệnh vàng lá thối rễ, chúng ta cần 3 bước phòng trừ tổng hợp sau đây. 3 bước này cần thực hiện trước thềm mùa mưa, tối thiểu là 7 ngày trước khi những ngày mưa liên tục xuất hiện.
Bước 1: Bón vôi
Việc bón vôi cho đất trước khi thời tiết bước vào mùa mưa là việc hết sức quan trọng. Đặc biệt là các vườn ở các tỉnh phía nam. Dùng vôi bột rắc phủ một lớp mỏng trên toàn vườn sẽ giúp cho đất vườn ổn định được độ pH trong suốt mùa mưa.
Trong nước mưa có chứa rất nhiều axít. Axit nitric (HNO3) có trong nước mưa sau khi ngấm vào đất sẽ phản ứng với các muối khoáng trong đất giải phóng NO3-(đạm) cho cây hấp thu để lại gốc axit H+ khiến cho đất chua (pH giảm).
cải tạo đất, biến đất chai thành đất nàu nỡ - PH ĐẤT
PH đất là một yếu tố cần phải được kiểm nếu muốn cây trồng phát triển tốt, nhất là vào mùa mưa. PH càng giảm sẽ khiến cho nấm bệnh phát triển càng mạnh và nguy cơ chúng xâm nhập rễ càng cao. Bón vôi phủ toàn vườn trước mùa mưa sẽ giúp đất trung hòa được lượng axít nêu trên giúp cho pH luôn được ổn định từ đó hạn chế được rất nhiều mức độ gây hại của nấm bệnh.
Bước 2: Bổ sung vi sinh vật đối kháng
Sau khi bón vôi được 7 – 10 ngày chúng ta cần phải bổ sung thêm nấm đối kháng ở toàn bộ vùng đất chứa rễ. Nấm đối kháng sẽ giúp ức chế, tiêu diệt hết mầm bệnh xung quanh rễ, ngăn không cho chúng có cơ hội sinh sản và lây lan khi gặp mưa.
Nấm đối kháng sẽ giúp chúng ta bảo vệ rễ 24/24 trong suốt mùa mưa ngăn ngừa các loại nấm bệnh theo dòng chảy của nước xâm nhập vào rễ.
Đây là một việc làm hết sức quan trọng mà thường rất nhiều nhà vườn chúng ta hay bỏ qua khiến cho tỉ lệ cây trồng bị thối rễ – vàng lá sau mưa thường tăng đột biến. Đặc biệt là những nhà vườn ở các tỉnh phía nam, các nhà vườn đang trồng một số cây có bộ rễ ăn nổi dễ bị úng nước như bưởi da xanh, cam sành, cam xoàn,…
Bước 3: Khơi thông cống rãnh, mương chứa nước
Bước này là một bước cũng rất quan trọng. Bước này thường áp dụng cho các nhà vườn ở các tỉnh phía nam. Việc khơi thông cống rãnh, mương thoát nước sẽ giúp cho dòng chảy của nước mưa trong thời gian này dễ dàng được kiểm soát, sức chứa nước trong mương được tăng lên giúp hạn chế tình trạng nước dâng ngập tầng đất chứa rễ, hạn chế úng rễ,…
Lưu ý: việc sử dụng nhiều phân chuồng, phân hữu cơ, hạn chế sử dụng phân hóa học trong suốt cả mùa vụ cũng sẽ giúp cho vi sinh vật có lợi phát triển mạnh, pH đất được ổn định, từ đó việc phòng trừ giai đoạn này cũng sẽ dễ dàng hơn.